Từ ngày 14/1/2024, CareerBuilder.vn chính thức đổi tên thành CareerViet.vn. Chi tiết xem tại đây.

Tại sao nhân viên cần bạn phản hồi thường xuyên?

Lượt xem: 5,265

Cũng giống như bạn luôn muốn tạo ra ấn tượng tích cực với lãnh đạo về hiệu quả quản lý hoặc kết quả sau những chiến dịch quan trọng, nhân viên cũng mong muốn trở nên tốt hơn trong mắt bạn.

Không dễ chịu gì nếu bạn phải tiến hành một cuộc trao đổi gay gắt với nhân viên bị hạ bậc lương, hoặc bị nhận xét là không đạt thành tích trong đợt đánh giá giữa năm. Việc phản hồi thường xuyên về kết quả công việc với nhân viên sẽ giúp tránh được phần lớn viễn cảnh đó.


Hãy giúp nhân viên nắm bắt được kỳ vọng của bạn

Tất nhiên, không phải nhà quản lý nào cũng sẵn sàng bỏ thời gian cho việc đó trong lịch trình bận rộn của mình. Tuy nhiên, phản hồi về hiệu suất cho nhân viên vừa là trách nhiệm, vừa tốt cho tổ chức.

Làm thế nào để tiến hành các cuộc thảo luận về hiệu suất?

Lý tưởng nhất là người quản lý trao đổi về hiệu quả công việc theo từng nhiệm vụ, hoặc định kỳ tuần/tháng.

Sự phát triển sự nghiệp của nhân viên phụ thuộc vào các phản hồi của bạn. Đó là lý do nhân viên quan tâm đến khả năng đối thoại với cấp trên trong công việc. Việc bị đơn độc, không được hướng dẫn mà chỉ có nhắc nhở, trừng phạt khi chuyện đã rồi sẽ khiến họ nản chí. Và vì bạn không muốn tuyển nhân sự thay thế liên tục, nên hãy nói chuyện với họ khi có thể.

Lên lịch trao đổi 1 - 2 tháng/ lần

Một cuộc họp định kỳ 30 phút hàng tháng hoặc cách tháng để thảo luận về hiệu suất và các định hướng của bạn giúp nhân viên hiểu rõ kỳ vọng mà họ cần đạt được. Đặc biệt nếu họ là nhân viên mới. Sau đó, bạn có thể giãn cách hơn nếu họ đã quen việc hoặc yêu cầu công việc không thay đổi. Hãy giúp họ nhìn thấy giá trị các cuộc họp này bằng những chỉ dẫn để sau mỗi lần gặp, họ có một tiến bộ, hoặc nhận thức mới rõ rệt. Sẽ tiết kiệm thời gian và dễ dàng hơn nếu bạn chuẩn bị sẵn một danh sách các mục cần thảo luận.

Đánh giá hiệu suất thường xuyên cũng giúp nhân viên có tầm nhìn xa về nhu cầu, mục tiêu phát triển sự nghiệp… Đây cũng là cơ hội để bạn trao đổi cởi mở về hiệu suất với nhân viên, khen thưởng và công nhận khi cần thiết. Những cuộc đối thoại như thế này giúp cả hai cùng nhận thức về các mục tiêu chung trước mắt và lâu dài.


Giúp nhân viên có thêm nhận thức mới sau mỗi cuộc trò chuyện

Nếu bạn không hài lòng về việc gì đó, hãy nói ra sớm

Việc nhân sự hành động không tương xứng với kỳ vọng của bạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hãy nói ra ngay khi bạn nhìn thấy vấn đề để họ điều chỉnh trước khi hậu quả trở nên tồi tệ hơn. Phản hồi ngay không chỉ giúp nhân viên giải quyết vấn đề kịp thời, còn giúp họ nhận thức và lập kế hoạch để tránh tái diễn trong tương lai.

Ngay cả khi nhân viên đã làm tốt, thì các cuộc trò chuyện về quy trình làm việc hay những đánh giá tích cực (luôn và ngay) càng giúp nhân viên hình thành ý tưởng và động lực phát triển. Nói chung, phản hồi về một nhiệm vụ càng kịp thời thì nhiệm vụ đó càng có khả năng được hoàn thành đúng hạn và chính xác như cách bạn mong muốn.

Đưa việc đánh giá hiệu suất vào quy trình chính thức

Việc đánh giá hiệu suất chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định như tăng lương, thuyên chuyển hay thưởng cuối năm. Nếu công ty của bạn có một thang đánh giá hoặc hệ thống xếp hạng, hãy giúp nhân viên nắm bắt cách thức đánh giá và tầm quan trọng của nó ngay từ khi họ mới nhận việc.

Đánh giá đó có thể theo mục tiêu kinh doanh, theo nhận định nhiều bên về khả năng hợp tác… nhưng ít nhất là một hệ thống định lượng rõ ràng để nhân viên cảm thấy được công nhận một cách khách quan.

Bạn có thể gợi ý cho họ ghi lại các công việc chính, các thành tích nổi bật trong suốt cả năm để làm căn cứ cho chính họ trước khi đánh giá.

Quản lý và đánh giá hiệu suất là một phần của quy trình quản lý. Không phải nhân viên giỏi và chăm chỉ nào cũng biết cách thể hiện những thành tích, đóng góp của họ qua các cuộc gặp gỡ với sếp. Và không phải nhân viên nào mắc sai lầm cũng do họ kém cỏi hay thiếu ý chí. Hãy thực hiện phần việc này thường xuyên để bạn có được cái nhìn bao quát, cũng như tạo nên thành tích tích cực cho cả tổ chức.

Ảnh: Pexels

Nguồn : CareerBuilder

Bài viết liên quan

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Nhận ngay những tin tức mới nhất về dịch vụ và cẩm nang tuyển dụng từ CareerViet.vn

Feedback